8 Cuốn Sách Du Lịch Việt Nam Đẹp Mê Ly Dành Cho Những Ai Mệt Mỏi

Dịp lễ này, nếu bạn vẫn còn ngần ngại không muốn đi chơi xa, không muốn hòa mình vào dòng xe đông đúc trên quốc lộ vừa đi vừa nhích từng chút một – vậy thì, Bookish có sẵn gợi ý những tựa sách văn hóa, du lịch thắng cảnh Việt Nam thật hấp dẫn cho bạn đây. Không cần phải cất công đi đường nắng nóng, chỉ cần ngồi nhà bật quạt hay điều hòa, nhâm nhi nước mát lạnh, mở những cuốn sách này ra là bạn đã có thể du lịch tại gia với hình chụp phong cảnh đẹp mê ly, văn phong miêu tả sống động, đắm mình vào các câu chuyện văn hóa đậm bản sắc địa phương.

1. Cảnh Sắc Đà Lạt – Xứ Ngàn Hoa: Tranh Và Ký Họa

Không mang góc nhìn chuyên sâu như những công trình nghiên cứu hay du khảo về Đà Lạt, Cảnh Sắc Đà Lạt – Xứ Ngàn Hoa đơn thuần là chút tâm tình qua tranh vẽ của một lữ khách từ những lần bước chân theo đường hoa ngoạn cảnh rồi không biết tự bao giờ lòng trót lưu luyến, gắn bó với thành phố xinh đẹp này như quê hương thứ hai.

Cảnh Sắc Đà Lạt - Xứ Ngàn Hoa

Qua hơn một trăm bức tranh màu nước công phu, Đà Lạt hiện lên lung linh mờ ảo trong màn sương với những căn nhà cổ, những con dốc hoang sơ, dăm cảnh sinh hoạt của cư dân phố núi cùng vô số loài hoa thơm cỏ lạ… Ghi nhận lại vẻ đẹp của một thành phố thơ mộng không chỉ là cách bày tỏ tình yêu của họa sĩ Phạm Công Tâm mà còn là tấm lòng tha thiết muốn lưu giữ những giá trị xưa cùng nỗi đau đáu trước không gian cảnh sắc đang có nguy cơ bị mai một dần trước đổi thay của sự phát triển.

2. Cảnh Sắc Phố Thị Sài Gòn – Chợ Lớn: Tranh Và Ký Họa

Cảnh Sắc Phố Thị Sài Gòn – Chợ Lớn: Tranh Và Ký Họa là tuyển tập những bức tranh và ký họa đa sắc về Sài Gòn – Chợ Lớn hôm nay với nhiều di sản kiến trúc, những tòa nhà đẹp mới xây, những con đường, góc phố hay khu dân cư đông đúc với đa dạng kiểu mưu sinh…

Họa sĩ Phạm Công Tâm đã dành rất nhiều thời gian qua lại, quan sát vùng đất này để có thể lưu giữ và tái hiện lại sống động một đô thị hiện đại đang chuyển mình, phát triển.

Cảnh Sắc Phố Thị Sài Gòn - Chợ Lớn

3. Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ

Còn ai nhớ ở Sài Gòn từng có những chiều Chủ nhật vui như trẩy hội, trên ba con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Tự Do (nay là Đồng Khởi). Từng nhóm gia đình hay những đôi trai gái, những cặp vợ chồng chầm chậm đổ về bến Bạch Đằng hay tới chợ Bến Thành. Gió mát từ phía sông thổi tung những tà áo dài. Các quý ông Sài Gòn chỉn chu với mái tóc ngắn gọn thường được chải brilliantine cho gọn gàng, diện áo sơ mi tay ngắn hay montagut đỏ sẫm hoặc vàng nghệ. Những kiểu cách đơn giản mà như huyền thoại, chỉ còn đọng lại trong phim ảnh một thời.

Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (Phương Nam Books) là tác phẩm 2 trong 1, vừa là cuốn sách mang đến nhiều tư liệu quý giá, vừa là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo do nhà báo Phạm Công Luận và họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm cùng thực hiện.

4. Chuyện Tình Của Núi – Ngang Dọc Hoàng Su Phì

Ai đã từng một lần đặt chân đến Hoàng Su Phì, huyện biên giới miền tây Hà Giang, hẳn sẽ không quên được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên nơi đây. Những thửa ruộng bậc thang trong mùa lúa chín bung sắc vàng như những dải lụa dệt trên núi đồi quanh co nằm xen giữa các đồi chè cổ thụ. Những con dốc dựng đứng, những cung đường đá xóc nảy bên miệng vực đưa chân người đến với đại ngàn. Vẻ đẹp của Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong những nét văn hóa của các dân tộc người Tày, Nùng, Dao, H’Mông và La Chí sinh sống nơi đây, trong những tích truyện cổ được kể lại về mảnh đất “Vỏ cây vàng”. Không dễ để gắn bó tâm hồn mình với một mảnh đất xa lạ, nhưng “cứ thử đến với Hoàng Su Phì đi, và khi lên đây, có lẽ bạn sẽ chẳng muốn về.”

Chuyện Tình Của Núi - Ngang Dọc Hoàng Su Phì

Chuyện Tình Của Núi – Ngang Dọc Hoàng Su Phì ghi chép lại những trải nghiệm của tác giả với thiên nhiên, con người, văn hóa, phong tục, nghề, và du lịch có trách nhiệm của Hoàng Su Phì (Hà Giang), nơi xứng đáng có được hiểu và biết sâu sắc hơn từ cả người ngoài lẫn người dân địa phương.

5. Việt Nam Dọc Miền Du Ký – Tập 1 (Bản thường & Bản đặc biệt)

Ở độ tuổi nào cũng vậy, ta đi để biết đôi chân mình chưa già, để thấy lòng reo vang cùng những thanh âm bất tận của thiên nhiên bí ẩn nhiệm màu, để trái tim và những tế bào cảm xúc được rung động theo vũ khúc nhịp nhàng của người dân bản xứ hay hương vị hấp dẫn của những món ăn mang đậm bản sắc mỗi vùng miền, để lồng ngực rạo rực những yêu thương tự hào, những bồi hồi xốn xang, và để khi trở về, ta góp vào gia tài của ta một hành trang đáng giá – hành trang giục giã ta ngày mai lại bước tiếp lên đường…

Góp nhặt từng mẩu chuyện, chọn lọc từng hình ảnh, tác giả Lê Rin – thông qua góc nhìn mới mẻ của một người trẻ và tài năng của một họa sĩ – đã cho ra đời bộ sách Việt Nam Dọc Miền Du Ký. Thông qua đó, Lê Rin chia sẻ gia tài của mình cho bất kỳ ai muốn “làm giàu” tâm hồn từ những sải chân dài rộng.

Hà Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận, Phú Yên, Hội An, Sa Pa… mỗi địa danh xuất hiện trong tập 1 của bộ sách chẳng những được giới thiệu bằng ngôn từ mà còn được vẽ bằng màu sắc, hình khối chân thực, sinh động và bắt mắt. Người ta nói, đó là cách “check – in” điệu nghệ của tác giả đối với mỗi mảnh đất mà anh đặt chân đến.

6. Phố Cổ Hà Nội: Kí Họa Và Hồi Ức

Phố cổ Hà Nội – Kí họa và hồi ức tập hợp hơn 200 bức tranh kí họa bằng nhiều chất liệu và những bài viết tràn đầy cảm xúc về phố cổ Hà Nội trong dòng chảy thời gian, gắn với những nét đẹp văn hóa, lịch sử và quá trình đô thị hóa.

Cuốn sách có sự tham gia của gần 60 tác giả, nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ chuyên và không chuyên đến từ nhóm Kí hoạ đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) – Nhóm tác giả vừa được trao tặng Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 năm 2019” với các hoạt động truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, nhằm khám phá, sáng tác và lưu giữ vẻ đẹp Hà Nội bằng tranh.

Phố Cổ Hà Nội - Kí Họa

Những tác phẩm kí hoạ trong Phố cổ Hà Nội – Kí hoạ và hồi ức cùng chung một cảm hứng dành cho “phố Phái”. Những phố Bát Đàn, Cao Thắng, Cổng Đục, Chả Cá, Chân Cầm, Lý Quốc Sư, Chợ Gạo, Gầm Cầu… những góc đặc trưng chỉ có ở “phố thị” với bao cửa hàng, cửa hiệu san sát, bày bán cả trên vỉa hè, những ngôi nhà nhỏ với màu sơn vàng quen thuộc và hàng dây điện bắc qua, tấp nập người và xe cộ qua lại. Những công trình kiến trúc đã ngàn năm tuổi, từng dãy nhà cổ kính nằm bên những khách sạn, siêu thị, bar, tattoo shop, nhà hàng… mới xây dựng. Cùng với đó, sách còn dành một phần riêng giới thiệu về Đình trong phố cổ Hà Nội, gắn với tín ngưỡng thờ cúng, sự đa dạng của các phường nghề… là những di sản quý giá cần được trân trọng và giữ gìn.

7. Đi Bộ Xuyên Việt Với Cây Đàn Guitar

Đi bộ xuyên Việt với hành trang là cây đàn guitar và không đồng trong túi là một quyết định hẳn nhiều người sẽ cho là điên rồ. Nhưng với Hồ Nhật Hà, đó lại hành trình mang nhiều ý nghĩa. Hành trình này không chỉ để thử thách những giới hạn của bản thân mà còn là hành trình kết nối với thiên nhiên và mọi người trên khắp dải đất hình chữ S thân thương.

Mang trong mình đức tin của gã lang thang, những nghi ngại, khó khăn trên đường kể cả phải ngủ trong căn nhà hoang giữa trời mưa to, hay những khi cô đơn, hoang mang không biết hành trình này sẽ đi tới đâu… chỉ càng thắp sáng ý chí tiếp tục dấn bước. Và chính chân trời không biết điều gì phía trước lại mở ra rất nhiều điều kỳ diệu thôi thúc ta bước đi khám phá.

Từng bước chân qua 2.300 km, 113 ngày đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar đọng lại nhiều câu chuyện, những khúc ca vang vọng về vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp thiên nhiên và đặc biệt là vẻ đẹp của những con người chân tình nghĩa hiệp.

8. Đà Lạt, Một Thời Hương Xa

Đà Lạt được kiến tạo từ những cuộc du hành văn hóa trong quá khứ. Đà Lạt từng là không gian văn hóa đô thị có sức hấp dẫn riêng, nơi gặp gỡ của những khát vọng tri thức lớn, điểm đến của những hành trình sáng tạo đầy lý tưởng.

Tất cả đặc biệt cô đọng trong giai đoạn hai mươi năm mà tác giả cuốn sách này chọn khảo sát – một quá khứ gần – nhưng dường như đang đứng trước nguy cơ bị phủ lấp, xóa nhòa bởi bụi thời gian…

Nhân vật, sự kiện, hiện tượng văn hóa được phục dựng lại bằng ghi chép điền dã khảo cứu, kết nối tư liệu và những kiến giải riêng. Quá khứ được đồng hiện trên nền văn phong vừa bay bổng vừa giàu chiêm nghiệm, định hình một lối văn với Đà Lạt, của riêng Đà Lạt.

Với cuốn du khảo này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không còn là người lữ khách của vùng trời sương khói riêng tư nữa, mà là một nhà du hành, tri hành đường dài, dấn bước trong đơn độc về miền quá khứ với khát khao được chìm đắm vào tâm hồn của đô thị thời hoàng kim.

Món quà dành cho những người yêu và thực lòng muốn hiểu giá trị Đà Lạt!

Hết.

Rate this post