Review bài chòi Hội An: Khám phá trò chơi dân gian độc đáo miền di sản

Nếu bạn đã từng đặt chân tới Hội An, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp một sân khấu nhỏ rộn ràng tiếng ca hát, cười đùa vui vẻ. Đó chính là bài chòi Hội An – một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của miền di sản. Hãy cùng khám phá ngay, bài chòi Hội An có gì đặc biệt mà hấp dẫn nhiều du khách đến thế!

1. Bài chòi Hội An là gì? Thời gian & địa điểm tổ chức bài chòi Hội An

1.1. Bài chòi Hội An là gì?

Bài chòi không chỉ là một trò chơi dân gian ở Hội An mà còn là một môn nghệ thuật đầy đặc sắc của miền Trung Việt Nam, mang hơi thở cuộc sống và lưu giữ những nét đẹp văn hoá của người dân nơi đây.

Bài chòi Hội An là sự kết hợp giữa trò chơi thẻ bài và hát dân ca với hai hình thức chơi bài chòi và trình diễn bài chòi. Sở dĩ có tên gọi bài chòi là vì người chơi ngồi trong những chiếc chòi chia thành hai hàng đối đáp qua lại với nhau.

1.2. Bài chòi Hội An được tổ chức ở đâu? Khi nào?

Nếu trước đây bài chòi Hội An chỉ diễn ra vào các dịp lễ hội đặc biệt hoặc vào các ngày Tết nguyên đán, đầu xuân hay đám đình thì ngày nay vào tất cả các buổi tối trong tuần từ 19h, du khách và người dân nơi đây đều có cơ hội trải nghiệm hoạt động văn hóa độc đáo này.

Không gian tổ chức bài chòi là một sân khấu nhỏ đơn giản, mộc mạc nằm trên một bãi đất trống giữa phố Hội và dòng sông Hoài Hội An thơ mộng. Đây là nơi để các anh Hiệu, chị Hiệu diễn xướng và người chơi tham gia. Khám phá Hội An về đêm, lắng nghe những làn điệu dân ca bài chòi ý nghĩa sẽ là những giây phút thư giãn tuyệt vời dành cho bạn.

2. Nguồn gốc & ý nghĩa của bài chòi Hội An

2.1. Nguồn gốc của bài chòi

Vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, cuộc sống của người dân miền Trung thường xuyên bị thú dữ tới quấy nhiễu và phá hoại. Do đó, dân làng đã dựng lên những chiếc chòi cao ở ven rừng, hàng đêm đều cử một thanh niên trai tráng ra canh giữ.

Trong lúc canh chòi buồn chán, người dân đã nghĩ ra những câu hò, câu hát đối đáp với nhau giữa các chòi để giải trí. Không chỉ vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc là hình thức vừa chơi bài, vừa hô hát giữa các chòi với nhau. Cũng từ đó, hô bài chòi đã ra đời và là khởi nguồn của nghệ thuật bài chòi sau này.

2.2. Ý nghĩa của bài chòi Hội An

Bài chòi Hội An là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá của người dân xứ Quảng với rất nhiều câu hát nhân văn, vừa mang hơi thở truyền thống, vừa có tính giáo dục, răn đe, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, lao động. Dân ca bài chòi có vai trò giữ gìn hơi thở truyền thống đồng thời phát huy những nét đẹp văn hóa đang dần bị mai một của dân tộc ta.

Không những thế, vào tháng 12/2017, nghệ thuật hát bài chòi Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này góp phần không nhỏ giúp quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của nước ta đến khắp bạn bè thế giới. Nhờ đó, Hội An mang về một lượng du khách rất lớn hàng năm.

3. Đặc điểm của bài chòi Hội An

3.1. Bộ bài để chơi bài chòi Hội An

Bộ bài chòi Hội An khá giống với bộ Tam Cúc nhưng đã được cải tiến hơn. Một bộ bài chòi sẽ gồm 33 lá như: thằng bí, lá liễu, nhứt nọc, nhì nghèo,… được vẽ trên mảnh giấy nhỏ rồi dán vào thẻ tre. Mỗi một thẻ tre lại có 3 quân bài khác nhau.

Ngoài ra, bộ bài còn được chia làm 3 pho (Pho Sách, Pho Văn, Pho Vạn), mỗi pho gồm 10 lá và 3 lá lẻ (Lá Cửu Điều Đen, Lá Ông Ầm Đen, Lá Tử Cẳng Đen). Các quân bài đều được làm khá lớn để người chơi có thể nhìn rõ tên và hoa văn in trên từng thẻ bài.

3.2. Lời hát bài chòi Hội An

Lời bài chòi Hội An gồm 4 làn điệu cơ bản là xàng xê, hồ quảng, xuân nữ và cổ bản. Hô hát bài chòi Hội An là sự kết hợp giữa các làn điệu dân ca Nam Bộ với lối hát, lối nói của tuồng. Những câu hát dân ca bài chòi Hội An lúc trầm lúc bổng, mang âm điệu địa phương kết hợp với lối diễn duyên dáng, dí dỏm của người hát khiến ai đi qua cũng phải dừng lại lắng nghe.

Các bài chòi Quảng Nam được diễn xướng mỗi đêm không hề giống nhau mà đều được thay đổi, sáng tạo liên tục từ các điệu hò, dân ca như hò khoan, hò chèo thuyền, hát ru con, vè Quảng,… Vì vậy mà mỗi lần nghe hát bài chòi ở phố cổ Hội An bạn sẽ luôn cảm nhận được sự mới lạ đến thích thú. Đặc biệt trong những dịp lễ Tết nguyên đán nội dung lời bài chòi Quảng Nam được biến tấu thành những câu hát vui tươi, rộn ràng phù hợp với không khí của đầu xuân năm mới.

4. Luật chơi bài chòi Hội An

Chơi bài chòi Hội An không khó, bất kỳ ai cũng có thể tham gia chơi. Nếu bạn không biết chơi thì đã có người địa phương hướng dẫn và đối với du khách nước ngoài thì có thông dịch viên phiên dịch và hướng dẫn cách chơi cẩn thận.

Bắt đầu trò chơi là tiếng trống báo hiệu rộn rã, sau đó anh Hiệu và chị Hiệu sẽ hô xướng gọi mở hàng nhằm gây sự chú ý của mọi người. Sau khi hát mở màn xong, họ sẽ giới thiệu một lượt các quân bài và người chơi sẽ chọn 3 quân bài khác nhau cho mình.

Tiếp theo, anh Hiệu và chị Hiệu ra trước chòi, xóc ống thẻ rồi rút ra từng quân bài và xướng tên kèm theo câu thai để người chơi suy đoán. Chòi nào suy đoán đúng có quân bài đó thì ra hiệu bằng cách gõ mõ. Mỗi lần trúng, người chơi sẽ được trao một cây cờ.

Chòi thắng là chòi trúng 3 quân bài và có đủ 3 lá cờ đuôi nheo. Người chiến thắng sẽ hô to rồi gõ một tiếng mõ thật dài. Tiếng trống cán, trống tum rộn vang báo hiệu đã có người chiến thắng.

Phần thưởng dành cho người chiến thắng là một chiếc đèn lồng Hội An hoặc một món quà lưu niệm đậm chất phố cổ. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với du khách là những phút giây thư giãn và những tràng cười sảng khoái khi tham gia trò chơi.

Nếu bạn cảm thấy thích thú với nét văn hoá độc đáo xứ Quảng và muốn khám phá thêm nhiều địa điểm văn hoá thú vị hơn nữa thì VinWonders Nam Hội An với phân khu Đảo văn hoá dân gian ghi dấu bởi những giá trị văn hoá, kiến trúc truyền thống được gìn giữ và tái hiện hết sức sống động chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Ngoài ra, các phân khu khác như: Bến cảng giao thoa, Vùng đất phiêu lưu, Thế giới nước,… với rất nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Bài chòi Hội An mang đậm hơi thở truyền thống, chứa đựng nhiều bài học sâu sắc, dường như đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây cũng như du khách trong và ngoài nước. Nếu bạn có dịp ghé thăm phố cổ đừng bỏ lỡ trải nghiệm hội bài chòi đông vui, náo nhiệt để có thể hiểu hơn về vùng đất của những người dân chất phác, mến khách này nhé!

Rate this post