Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam

Du khách trải nghiệm thu hái chè cùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu du lịch sinh thái ở tỉnh Cao Bằng – Ảnh: vov.vn

Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch có tính đến đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách và sự phát triển của ngành du lịch, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và các yêu cầu của cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch bền vững liên quan đến các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội của phát triển du lịch, đòi hỏi phải thiết lập sự cân bằng hợp lý giữa ba khía cạnh này để bảo đảm tính bền vững lâu dài.

Du lịch bền vững giúp quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn nhu cầu về phát triển kinh tế-xã hội, hưởng thụ của con người, đồng thời vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học và sự phát triển của các hệ sinh thái. Ở Việt Nam, Luật Du lịch năm 2017 đưa ra định nghĩa: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế-xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Tiềm năng phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, phong phú và đa dạng khắp trên mọi miền đất nước, có sức hấp dẫn đối với du khách. Việt Nam có hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Việt Nam cũng là một trong những số ít quốc gia trên thế giới được UNESCO công nhận nhiều di sản, gồm: Di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long. Đây là một trong những tiềm năng du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Việt Nam còn có di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hát xoan, hội Gióng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu khách, đây là một trong những yếu tố hấp dẫn và thiện cảm đối với du khách quốc tế.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định phát triển du lịch bền vững và bao trùm là quan điểm định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn mới. Để thực hiện mục tiêu đó, các chính sách luôn hướng tới tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trước pháp luật.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành Du lịch Việt Nam đã tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi, giải trí, văn hóa… phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững môi trường và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo nên “đòn bẩy” quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch phát triển. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách và sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trên thị trường, các doanh nghiệp du lịch buộc phải vươn lên, tự khẳng định và hoàn thiện mình thông qua việc nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi từ các nước trên thế giới kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước và theo kịp trình độ quốc tế về du lịch.

Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ.

Thứ nhất, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ và hiện đại hơn, song hệ thống giao thông đường bộ, hàng không, cầu cảng… trong nước vẫn được coi là kém phát triển, thiếu các tiêu chuẩn an toàn và dễ tiếp cận cho khách du lịch để có thể di chuyển nhanh chóng, an toàn và thuận tiện. Chi phí cho việc di chuyển, cước phí giao thông còn cao. Hệ thống thông tin viễn thông chưa phát triển rộng khắp, chất lượng còn hạn chế trong khi giá dịch vụ lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các tiện nghi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, giải trí… tuy đã tăng lên về số lượng, nhưng nhiều nơi vẫn chưa bảo đảm về chất lượng dịch vụ.

Thứ hai, các quy định pháp lý về quản lý du lịch chưa đầy đủ và còn không ít bất cập đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch. Nhận thức của doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch theo hướng bền vững còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Việt Nam thuộc loại nhỏ, việc bảo đảm chất lượng dịch vụ còn hạn chế, năng lực quản lý thấp, khả năng cạnh tranh quốc tế yếu. Trong khi hệ thống luật pháp Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, nhiều cơ sở kinh doanh chưa tạo dựng được uy tín, làm ăn mang tính chộp giật, chặt chém khách; có nhiều nơi, hoạt động diễn ra tự phát, lộn xộn, thậm chí gây phiền toái cho khách, một số vụ việc tiêu cực làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam. Ý thức tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường du lịch chưa được nâng cao đã gây trở ngại cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Trên thực tế, người dân sinh sống trong khu vực du lịch thường xâm phạm đến các tài nguyên du lịch mà không ý thức được hết ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Bên cạnh đó, quá trình mở cửa, hội nhập du lịch cũng ảnh hưởng và làm phức tạp hóa một số vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục.

Thứ ba, chất lượng các sản phẩm du lịch; mức độ liên kết các sản phẩm du lịch còn rất hạn chế. Hệ luỵ là các dịch vụ du lịch tập trung chủ yếu vào việc khai thác nguồn tài nguyên du lịch, gây nên tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực ngành du lịch được đào tạo còn ít, yếu về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, thiếu kinh nghiệm và sự hiểu biết về du lịch bền vững; đội ngũ quản lý và phục vụ có trình độ chuyên môn cao trong các cơ sở phục vụ kinh doanh du lịch ở lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, các nơi nghỉ dưỡng, các cơ sở vui chơi, giải trí còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh của lĩnh vực du lịch.

Một số giải pháp chủ yếu phát triển bền vững ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách về phát triển du lịch bền vững đến các nhà đầu tư, du khách và mọi người dân trên địa bàn du lịch. Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc cấp phép và hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch, việc tổ chức và tham gia các hoạt động du lịch, các sự kiện văn hóa, du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm quy định về khảo sát, đánh giá tác động môi trường khi đầu tư dự án du lịch; kiên quyết xử lý các dự án phát triển du lịch vi phạm các quy định trong những lĩnh vực này. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đối tượng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch, cộng đồng dân cư trong nỗ lực chung để bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch.

Kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp hạn chế tác động của các hoạt động kinh tế trong những lĩnh vực khác (xây dựng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp…) đến môi trường tại các khu, điểm du lịch. Nghiên cứu, xác định giới hạn áp lực của hoạt động du lịch lên tài nguyên, môi trường; theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng tài nguyên, tránh sử dụng quá mức gây nguy cơ cạn kiệt, suy giảm hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Phối hợp kịp thời giữa cơ quan quản lý chuyên ngành về du lịch với các cơ quan, các ngành chức năng liên quan trong việc khắc phục sự cố, tình trạng suy thoái, xuống cấp của tài nguyên du lịch.

Hoàn thiện hệ thống nội quy, quy chế, quy định về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng quy chế quản lý khách du lịch, nội quy lễ hội, các bộ quy tắc ứng xử…, tuyên truyền để du khách tôn trọng và có thái độ ứng xử văn hóa với các tài nguyên du lịch nhân văn; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, môi trường xã hội, truyền thống của cộng đồng khi tham gia hoạt động du lịch. Đôn đốc, giám sát thường xuyên các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch.

Hai là, tăng cường bố trí nguồn lực, thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch bền vững. Tiến hành điều tra, đánh giá tổng thể về hiện trạng của sản phẩm du lịch quốc gia, từ đó xây dựng quy hoạch phát triển ngành du lịch bám sát nhu cầu của thị trường, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của du khách.

Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, môi trường, bưu chính viễn thông, hạ tầng các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phát triển du lịch như ngân hàng, tài chính, tín dụng, y tế,… để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến của du khách, đồng thời tạo sự liên kết chuỗi tài nguyên du lịch cũng như sự liên kết giữa du lịch với các ngành khác.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn, công trình du lịch trọng điểm quốc gia. Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch có những cam kết cụ thể về bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch. Xây dựng Quy chế ưu đãi đầu tư tại các khu, điểm du lịch đặc thù; tạo điều kiện thuận lợi hơn về mặt thủ tục hành chính, cấp phép thành lập doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh, đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho du lịch phải gắn với việc rà soát, đánh giá, thẩm định năng lực của các nhà đầu tư, chất lượng dự án đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực và có mục đích, chiến lược đầu tư nghiêm túc để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của các dự án. Thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đồng thời đi cùng với đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các dự án phát triển du lịch,

Rate this post