Huyện Cẩm Thủy: Khởi thông tiềm năng phát triển du lịch

Với mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện và là địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh Thanh Hóa, huyện Cẩm Thủy đã đề ra các giải pháp nhằm khơi thông tiềm năng, lợi thế để tạo đà thúc đẩy du lịch phát triển.

Từ tiềm năng…

Cẩm Thủy có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, như di chỉ khảo cổ Làng Hạ, Thung Chẹ, chùa Bình Vôi, chùa Chặng, Cửa Hà (thị trấn Phong Sơn); Suối cá Cẩm Lương, đền Ngọc (xã Cẩm Lương); thung Phổ (xã Cẩm Thành); động Vân Màu, động núi Vụng Thung, Eo Lê, núi và động Diệu Sơn (xã Cẩm Tân); chùa Rồng (xã Cẩm Thạch); chùa Vọng (xã Cẩm Giang)…

Ở nơi sông Mã uốn mình qua trùng điệp núi non, tạo nên bức tranh sơn thủy, hữu tình vốn được biết đến với cái tên Cửa Hà. Tên gọi Cửa Hà có từ đầu thế kỷ XIX, khi huyện lỵ chuyển từ Cẩm Vân về Phong Ý. Bấy giờ, Cửa Hà không chỉ có vẻ đẹp ngoạn mục của một cửa sông miền xuôi, mà còn tấp nập cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền. Trung tâm buôn bán Cửa Hà – Cẩm Phong từng thu hút nhiều nhà buôn lớn từ thị xã Thanh Hóa, các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Hà Nội, thậm chí cả các hiệu buôn Hoa Kiều, cửa hàng vải của Ấn Kiều đến đây buôn bán làm ăn. Cũng từ đây mà nhiều nghề truyền thống của cư dân bản địa như nghề dệt thổ cẩm Mường, nghề nuôi tằm dệt lụa Cẩm Vân, nghề rèn dao, rèn cuốc ở Đò Tuần… cũng phát triển rực rỡ. Chưa hết, cũng bởi con đường giao thương bằng đường thủy tương đối thuận tiện, cùng với nhiều tuyến đường bộ chạy qua, nên ngoài Cửa Hà – Cẩm Phong còn có một số trung tâm buôn bán được hình thành từ xa xưa như phố Vạc, chợ Màu, chợ Bãi… với đa dạng các loại hàng hóa từ khắp miền xuôi, miền ngược như muối, vải, đồ đúc đồng, nhôm, sành, sứ; các loại lâm thổ sản như sa nhân, mộc nhĩ, măng khô, nấm hương; các đại gia súc như trâu, bò…

Nằm trong thung lũng của dãy núi đá vôi Bồ Um là làng Ngọc – nơi nổi tiếng bởi địa danh Suối cá Cẩm Lương. Suối Ngọc chảy ra từ một hang lớn của núi Bồ Um. Cửa hang rất nhỏ, lòng hang rất rộng, nước sâu là nơi sinh sống của đàn cá mà theo người dân địa phương có thể lên tới hàng ngàn con. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến đàn cá, nhưng nhìn chung đều cho rằng đó là cá thần, có khả năng bảo vệ cuộc sống yên vui của dân làng. Và thế suối Ngọc còn có tên Suối cá Cẩm Lương. Bên cạnh suối Ngọc là đền Ngọc, nơi thờ Tứ phủ Long Vương – vị thần bảo hộ cho sức khỏe và việc làm ăn của con người. Phía trên suối Ngọc là dãy núi Trường Sinh. Trên núi có động Cây Đăng với nhiều nhũ đá đa dạng hình thù… Suối Ngọc không chỉ có đàn cá đặc biệt, mà còn có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và là điểm đến hấp dẫn du khách bậc nhất của huyện Cẩm Thủy. Đây cũng là cơ sở để xây dựng và khai thác các tour du lịch, như tour kết nối các điểm đến trong huyện như Cửa Hà (thị trấn Phong Sơn) – suối cá Cẩm Lương (xã Cẩm Lương) – chùa Rồng (xã Cẩm Thạch) – Ngọc Châu Tự (thị trấn Phong Sơn)…; tour kết nối các điểm đến trong tỉnh như Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) – Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) – Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) – Lam Kinh (Thọ Xuân)… Tính riêng giai đoạn 2016-2020, Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương ước đón được trên 1,5 triệu lượt khách, gấp 1,9 lần giai đoạn 2011-2015, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,7%/năm.

…đến định hướng phát triển

Nhằm tạo căn cứ cho việc khai thác và phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng sẵn có, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI đã ban hành Chương trình phát triển du lịch huyện Cẩm Thủy, giai đoạn 2021-2025 (tại Quyết định số 158-QĐ/HU ngày 2-11-2020). Theo đó, huyện Cẩm Thủy đề ra mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2025 trở thành một ngành kinh tế quan trọng; phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng, tham quan danh lam, thắng cảnh, trọng tâm là Khu du lịch suối cá Cẩm Lương; phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, đến năm 2025 đón được 520.000 lượt khách nội địa trở lên và 5.000 lượt khách quốc tế trở lên; có trên 25 cơ sở lưu trú với 350 phòng và 1 khách sạn 3 sao trở lên; doanh thu đạt 138 tỷ đồng trở lên, tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm trở lên; nộp ngân sách bình quân 5,5 đến 7,5 tỷ đồng/năm trở lên…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trước mắt, huyện Cẩm Thủy tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch mới vào quy hoạch vùng huyện; đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, nâng cao chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch phát triển du lịch. Cùng với đó, chú trọng khai thác tối đa giá trị của một số di tích và danh thắng, nhất là Khu du lịch suối cá Cẩm Lương. Theo đó, địa phương sẽ thu hút các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ du lịch tại xã Cẩm Lương và một số điểm du lịch; xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, quy trình sản xuất nghề dệt thổ cẩm, nghề làm miến dong tại xã Cẩm Thạch, Cẩm Lương…

Bên cạnh đó, huyện Cẩm Thủy chú trọng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Trọng tâm là lựa chọn, xây dựng các phương án tổ chức lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch, như lễ hội Khai hạ Cẩm Lương, lễ hội Chùa Rồng… Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề, thông qua việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, làng nghề và hỗ trợ các hộ dân kinh doanh du lịch homestay tại xã Cẩm Lương. Ngoài ra, địa phương cũng quan tâm cải thiện môi trường du lịch, gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân trong cải thiện môi trường du lịch; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về du lịch bền vững, ứng xử văn minh, bảo vệ môi trường du lịch… Khảo sát, đánh giá thị trường, thực trạng du lịch Cẩm Thủy, tăng cường quảng bá, tuyên truyền nhằm xây dựng thương hiệu du lịch; xây dựng thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng bộ ấn phẩm và đĩa DVD giới thiệu về sản phẩm du lịch; lắp đặt quầy thông tin du lịch tại Khu du lịch suối cá Cẩm Lương và các trung tâm thương mại… Khảo sát, đánh giá theo hướng liên kết với các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh, nhằm kết nối mở tuyến du lịch, thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch; tăng cường khai thác lợi thế về phát triển cụm, kết hợp tour tuyến du lịch trọng điểm… Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ quản lý du lịch ở khu du lịch; cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về du lịch ở cơ sở; tuyển chọn, bố trí thuyết minh viên tại Khu du lịch suối cá Cẩm Lương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, trong đó quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng các dịch vụ du lịch; thiết lập, duy trì đường dây nóng tại khu du lịch, cơ quan quản lý nhằm tiếp nhận, giải đáp thông tin, hỗ trợ khách du lịch…

Đặc biệt, để Chương trình phát triển du lịch đạt được các mục tiêu đề ra, huyện Cẩm Thủy xác định tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp trọng tâm. Theo đó, trước mắt địa phương chú trọng quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân trong thực hiện quy hoạch và các dự án đã cấp phép, cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch. Cùng với đó, yêu cầu MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội tập trung tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đồng thời, xác định trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với phát triển du lịch bền vững; coi phát triển du lịch, xây dựng văn hóa trong du lịch là xây dựng hình ảnh du lịch và con người Cẩm Thủy.

Trần Thị Hằng

Rate this post