Trong đó sản phẩm du lịch mũi nhọn của Thanh Hóa là du lịch biển ngày càng hình thành rõ nét. Nhiều dự án hạ tầng tại các khu du lịch biển được triển khai như FLC Sầm Sơn, khu du lịch biển Hải Tiến được triển khai đã tạo sự thay đổi lớn, đưa du lịch Thanh Hóa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, văn minh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, các khu du lịch biển của Thanh Hóa đã đón trên 4 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 3.8% so với cùng kì, đưa du lịch biển vào bản đồ du lịch cả nước.
Cùng với phát triển sản phẩm mũi nhọn du lịch biển, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa và du lịch tâm linh của Thanh Hóa cũng ngày càng phát triển, thu hút số lượng khách du lịch quốc tế khá lớn. Nổi bật là các điểm đến mới như Khu du lịch sinh thái cộng đồng Trí Nang (Lang Chánh), Pù Luông (Bá Thước). Chương trình phát triển du lịch đã làm thay đổi rõ nét nhận thức của cán bộ các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong tập trung chỉ đạo, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp .
Thanh Hóa hiện có 59 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch đã và đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư gần 56 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là các hoạt động quảng bá, xúc tiến, hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước được đổi mới và thực hiện thường xuyên, góp phần quảng bá du lịch và kết nối các tour, tuyến, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Thanh Hóa.
Với tiềm năng, thế mạnh đặc biệt, với chủ trương, giải pháp phát triển du lịch đúng đắn, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, du lịch Thanh Hóa đang hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
Mai Phương -Thanh Văn