Nhằm tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp hoa ban, khẳng định giá trị, vị trí của hoa ban trong đời sống, văn hóa, tinh thần các dân tộc tỉnh Điện Biên, từ năm 2014, Điện Biên đã tổ chức thường niên lễ hội hoa ban vào dịp tháng 3. Thông qua lễ hội hoa ban, Điện Biên có dịp giới thiệu những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em tới du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó tôn vinh, bảo tồn, phát huy và phát triển các loại hình di sản văn hóa dân tộc tiêu biểu, biến các giá trị di sản thành nguồn lực nội tại để thúc đẩy du lịch, kết nối với những tiềm năng, thế mạnh khác nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Điện Biên.
Đồng thời, lễ hội hoa ban cũng là dịp để Điện Biên khẳng định hình tượng hoa ban là một biểu trưng cho văn hóa – tâm hồn của đất và người Điện Biên, trên cơ sở đó, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng và tâm linh gắn với hoa ban.
Lễ hội hoa ban năm 2019 diễn ra từ ngày 13 đến 18-3, cùng với Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI (từ ngày 15 đến 18-3) là sự kiện chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên. Lễ hội và ngày hội được tổ chức vào tháng 3 gắn liền với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (13-3-1954).
Lễ hội hoa ban năm nay có thêm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên như: Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc, Trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc; Liên hoan ẩm thực vùng Tây Bắc; Tái hiện phiên chợ vùng cao…
Ngoài ra, trong khuôn khổ liên hoan còn có các môn thể thao mang tính gắn kết cộng đồng như kéo co, tù lu, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, tung còn… Đặc biệt, trong ngày khai mạc (16-3), chương trình nghệ thuật “Hoa ban rạng rỡ đất Mường Thanh” đã diễn ra hoành tráng, sống động trên mảnh đất rực rỡ hoa ban đang nở.
Tỉnh Điện Biên vốn được nhắc đến là một địa danh gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, là nơi cực Tây của Tổ quốc, là địa phận của những con đèo ngoạn mục, uốn lượn quanh co, nhưng mỗi độ Xuân về, Điện Biên lại khoác lên mình bằng những cánh rừng hoa ban nở trắng dịu dàng, thơ mộng. Hoa ban ở Điện Biên có nhiều và thắm sắc nhất trên vùng đất Tây Bắc. Với người già, hoa ban là biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cháu.
Với tuổi trẻ, hoa ban là biểu tượng của tình yêu thủy chung. Hoa ban sinh ra từ rừng thẳm, từ quan niệm đẹp đẽ của người xưa, đề cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ và ngợi ca tình yêu chân thành lứa đôi. Cho đến ngày nay, hoa ban vẫn gắn bó chặt chẽ với đời sống của đồng bào dân tộc Thái cũng như người dân trên mảnh đất Điện Biên.
Cây ban thân mộc, không mọc thẳng mà uốn khúc, chia cành phân nhánh, mang trong mình một sự sống bất diệt. Có hai loại hoa ban là ban trắng và ban đỏ, nhưng ban trắng chiếm đa số ở Điện Biên. Đầu tháng 2 âm lịch là thời điểm hoa ban lác đác nở, hoa đẹp nhất là đầu tháng 3, đến đầu tháng 4 thì bắt đầu tàn.
Khắp núi rừng Điện Biên, đâu đâu cũng có hoa ban, hoa ban nở trắng trời, trắng đất. Sắc trắng của hoa ban đã đi vào lòng người qua biết bao câu hát, áng thơ. Và mỗi mùa hoa ban, sắc hoa lại dẫn lối để đồng bào các dân tộc tìm đến với nhau, cùng vui hội và đón khách từ khắp nơi đổ về Tây Bắc.
UBND tỉnh Điện Biên đã thành công trong việc tạo ấn tượng văn hóa, tô điểm hình ảnh hoa ban gắn với văn hóa Tây Bắc, làm đẹp thêm sắc màu, làm giàu thêm đời sống của cộng đồng các dân tộc.
Quang Long