Du lịch Việt Nam: Tiềm năng dồi dào, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn khách quốc tế
Thị trường du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi
Đã có một tin vui với ngành du lịch vừa qua khi chúng ta chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng và ấn tượng của du lịch nội địa sau hai năm “ngủ đông” do đại dịch. Thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, vào tháng 8/2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt con số 8 triệu lượt, trong đó có khoảng 5,3 triệu lượt khách đã lưu trú. Tổng cộng 8 tháng, số lượng khách du lịch nội địa đã đạt hơn 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2022.
Đáng chú ý, số lượng khách du lịch nội địa trong 8 tháng năm nay đã tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Thậm chí, con số này gần bằng tổng số lượng khách du lịch cả năm 2019 (85 triệu lượt).
Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, ước tính cả nước đã đón chào khoảng 3.000.000 lượt khách du lịch. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt từ 60-65%.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã gần như hoàn thành chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với các năm trước. Đặc biệt, có một số địa phương thậm chí tăng gấp 3-4 lần. Các nơi du lịch trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Kiên Giang, Lâm Đồng… vẫn là những địa điểm thu hút lượng khách đến nhiều nhất.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng đã trở nên nhộn nhịp hơn. Theo các công ty du lịch, tỷ lệ đặt tour đã tăng 40-50% so với giai đoạn đầu hè. Khách hàng cũng có xu hướng đặt tour trước từ 1-1,5 tháng, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp chuẩn bị các dịch vụ phục vụ.
Tất cả những điều này cho thấy, thị trường du lịch nội địa đã phục hồi. Kết quả này đến từ chính sách mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15/3, sự phát động lại thị trường từ Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, cũng có sự triển khai mạnh mẽ các chương trình liên kết, hợp tác, kích cầu du lịch, cùng với sự ra đời của nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch.
Tổng thu từ khách du lịch trong 8 tháng năm 2022 dự kiến đạt 356.600 tỷ đồng, đạt 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Với sự bùng nổ của thị trường du lịch nội địa, giá trị đóng góp của ngành du lịch về kinh tế đang quay trở lại và gần kề kết quả trước đại dịch.
Bước đệm từ các giải thưởng du lịch quốc tế
Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và tạo sự cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Điều này bắt nguồn từ những điểm mạnh như văn hóa phong phú của 54 dân tộc anh em, cùng với những phong tục tập quán đa dạng. Ngoài ra, Việt Nam còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tự nhiên, với 125 bãi biển tuyệt đẹp ven bờ biển dài. Nước ta cũng có nhiều vịnh và hang động được xem là đẹp nhất thế giới.
Nhiều địa điểm du lịch của Việt Nam đã được bình chọn là các bãi biển, vịnh đẹp nhất thế giới như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang, An Bàng (Quảng Nam), Bãi Dài (Côn Đảo), Vịnh Hạ Long, Lăng Cô (Huế)…
Trong năm 2021, trang mạng du lịch nổi tiếng Touropia đã bình chọn vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) của Việt Nam là vịnh biển đẹp nhất hành tinh, vượt qua vịnh Guanabara ở Brazil và vịnh San Francisco, California (Hoa Kỳ).
Câu lạc bộ Vịnh biển thế giới (Wordbays Club) cũng đã vinh danh Lăng Cô là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới vào năm 2009.
Trước đó, vào năm 2005, tạp chí Forbes đã từng bình chọn Mỹ Khê là “Bãi biển đẹp nhất hành tinh”. Báo Sunday Herald Sun của Australia cũng đã bình chọn Mỹ Khê là một trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Vào năm 2021, trang web du lịch hàng đầu thế giới TripAdvisor cũng xếp Mỹ Khê vào danh sách 25 bãi biển đẹp nhất châu Á.
Năm 2001, bãi biển An Bàng cũng đã lọt vào danh sách “50 bãi biển đẹp nhất thế giới” do trang mạng du lịch CNNGo xếp hạng.
Côn Đảo cũng được tạp chí Mỹ Travel + Leisure bình chọn là một trong 20 hòn đảo bí ẩn nhất thế giới và lọt vào top 10 hòn đảo lãng mạn nhất thế giới, cùng với danh hiệu 10 hòn đảo có chất lượng khách sạn tốt nhất thế giới của cẩm nang du lịch quốc tế Lonely Planet.
Không chỉ những địa điểm thiên nhiên, mà trong những năm gần đây, các sân golf, khách sạn, công ty lữ hành, hãng hàng không của Việt Nam cũng liên tục nhận được các giải thưởng danh giá từ các tổ chức uy tín trên thế giới. Điều này chứng tỏ Việt Nam không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên mà còn đầu tư bài bản để cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên nhận được giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới” từ World Travel Awards (WTA) dành cho Intercontinental Danang Sun Peninsula. Sau đó, WTA đã liên tục trao giải tới 3 lần cho Intercontinental Danang Sun Peninsula.
Tạp chí Holidays with Kids của Australia – tạp chí chuyên viết về các trải nghiệm du lịch dành cho gia đình có con nhỏ – cũng đã công bố danh sách top 10 khu nghỉ dưỡng gia đình tốt nhất thế giới, trong đó, Alma Resort và The Anam của Việt Nam (đều nằm ở Cam Ranh, Khánh Hòa) xuất sắc giữ vị trí thứ 3 và thứ 5.
Vào tháng 7/2022, tạp chí Travel + Leisure đã đưa ra danh sách 100 khách sạn và resort được người đọc yêu thích nhất năm 2022, dựa trên trải nghiệm thực tế của họ, với các tiêu chí bao gồm cơ sở vật chất, vị trí, dịch vụ, đồ ăn và đánh giá tổng thể. Việt Nam góp mặt với 2 cơ sở lưu trú là khách sạn Capella Hà Nội và Six Senses Côn Đảo.
Năm 2021, Cầu Vàng tại Đà Nẵng (thuộc Sun World Ba Na Hills của Sun Group) đã dẫn đầu danh sách Kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của tờ Daily Mail (Anh).
Năm 2016, Bà Nà Hills Golf Club nhận giải thưởng “Sân golf mới tốt nhất thế giới” trong khuôn khổ World Golf Awards (WGA). Sau đó, Việt Nam liên tục nhận được nhiều giải thưởng quan trọng về sân golf, trong đó có danh hiệu “Điểm đến golf tốt nhất châu Á” từ WGA từ năm 2017 đến năm 2020. Vào năm 2019, Việt Nam đã vượt qua 7 quốc gia khác để nhận danh hiệu “Điểm đến golf tốt nhất thế giới”.
Năm 2022, Vietjet Air đã xuất hiện trong danh sách 10 hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới. 10 hãng này được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái vì được đánh giá tốt ngang nhau, bao gồm Allegiant Air (Mỹ), easyJet (Thụy Sĩ), Frontier Airlines (Mỹ), Jetstar Group (Australia), Jetblue (Mỹ), Ryanair (Ireland), Vietjet Air (Việt Nam), Volaris (Mexico), Westjet (Canada) và Wizz Air (Hungary).
Như vậy, trong suốt thời gian qua, du lịch Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và liên tục nhận các giải thưởng quốc tế. Mới đây, theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phát hành ngày 24/5/2022, du lịch Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 52 trong số 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Điều này đánh dấu mức tăng cao thứ 3 trên toàn cầu.
Khách quốc tế vẫn chưa mặn mà
Mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và hàng loạt giải thưởng danh giá, cùng với sự bùng nổ của thị trường du lịch nội địa, việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn chưa đạt đến mức mục tiêu.
Tính chung 8 tháng năm 2022, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,44 triệu lượt người, tăng gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa có đại dịch COVID-19.
Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, Hà Nội đã đón hơn 22.700 lượt khách quốc tế, TPHCM đón 32.484 lượt và Đà Nẵng đón 16.800 lượt khách quốc tế. Chủ yếu là khách mang quốc tịch Âu, Mỹ và Úc, với thời gian lưu trú khoảng 5 đêm. Các sản phẩm du lịch phổ biến là du thuyền trên sông, vịnh và các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển.
Chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2022. Mặc dù trong nước, hầu hết doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, khu du lịch đã hoạt động sôi nổi, sẵn sàng đón lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng mục tiêu 5 triệu du khách quốc tế của năm nay khó có thể thực hiện, khi vẫn còn nhiều yếu tố như visa, hạ tầng và nhân lực du lịch… đang “kìm chân” du lịch Việt, gây khó khăn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Diệp Anh
Bài 2: Chính sách visa vẫn là ‘nút thắt cổ chai’