QĐND – Cái đẹp có chuẩn mực không? Chuẩn mực của cái đẹp là gì? Nhiều người từng đặt câu hỏi như vậy và đi tìm câu trả lời nhằm đưa ra nhận thức chung về chuẩn mực của cái đẹp.
Đến nay, chưa có một lời giải đáp hoàn toàn thỏa đáng về chuẩn mực của cái đẹp, nhất là cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật có thể bị chi phối bởi cái nhìn cảm tính, chủ quan, tùy vào khả năng cảm thụ, tâm lý, thị hiếu của mỗi người. Tuy nhiên, dưới góc nhìn mỹ học, một tác phẩm nghệ thuật được đa số mọi người thích thú, ngưỡng mộ, trân quý thì ít nhiều phải tạo ra sự rung cảm về thẩm mỹ và cảm giác về sự tinh tế, tao nhã trong tâm hồn.
Nghệ thuật nói chung, nghệ thuật điêu khắc nói riêng không chỉ gắn liền với cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, làm cho cái đẹp góp phần “nhân đạo hóa” tính người, mà còn là nơi con người gửi gắm tâm sự, suy tưởng về cuộc đời, thế sự, xã hội và thể hiện những khát vọng, ước mơ tốt đẹp. Do vậy, bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào mà không tạo ra sự rung cảm thẩm mỹ đích thực cho công chúng thì tác phẩm đó dễ bị chết yểu trong lòng người xem.
Ảnh minh họa/TTXVN
Câu chuyện về “khu vườn tượng nghệ thuật” trưng bày 12 con giáp “khỏa thân” ở khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) từng bị dư luận chỉ trích mới lắng xuống cách đây chưa lâu, thì thời gian gần đây, một số tác phẩm nghệ thuật vừa mới ra đời đã bị dư luận phản ứng vì không những không phản ánh, thể hiện sự tinh tế của cái đẹp, mà còn bộc lộ sự ngây ngô, thô ráp, gây phản cảm trong mắt công chúng. “Thảm họa tượng nữ thần tự do ở Sa Pa”, “Tượng nữ thần tự do phiên bản lỗi ở Sa Pa”, “Tượng nữ thần tự do kỳ dị ở Sa Pa”, “Nữ hoàng băng giá Elsa phiên bản cơ bắp xuất hiện ở Sa Pa”, “Nữ hoàng băng giá Elsa “xấu như mụ phù thủy” ở Sa Pa”… Đó chỉ là vài trong số hàng chục tiêu đề mà báo chí, truyền thông xã hội đã đặt cho hai tác phẩm tượng được dựng tại thị xã Sa Pa (Lào Cai). Tác phẩm nghệ thuật mà được gắn những từ như: “Thảm họa”, “kỳ dị”, “phiên bản lỗi”, “phiên bản cơ bắp”, “xấu như mụ phù thủy”… cho thấy chủ nhân thiết kế, tạo dựng tác phẩm đó vừa thiếu con mắt thẩm mỹ, vừa hổng kiến thức cơ bản về mỹ thuật học. Đấy là chưa nói đến chuyện nhập khẩu bản quyền văn hóa từ nước ngoài mà không giữ được thần thái của nguyên tác còn là hành vi sao chép thô thiển.
Bản chất của nghệ thuật chân chính là phải sáng tạo và tôn vinh cái đẹp, vì như một danh ngôn khẳng định, cái đẹp góp phần cứu rỗi thế giới. Cái đẹp trong nghệ thuật không thể cân đong, đo đếm một cách thuần túy cơ học, song nó có chuẩn mực là giá trị thẩm mỹ và làm rung động cảm xúc, tâm trạng, tư tưởng, tình cảm của người thưởng thức. Mặt khác, nghệ thuật còn là cái đẹp để con người chiêm nghiệm qua các giác quan, từ đó càng thêm ngưỡng mộ trình độ, tài năng, kỹ năng, kỹ xảo của những người sáng tạo. Nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nghệ thuật và nghệ sĩ sẽ không làm tròn thiên chức cao quý của mình.
Nói về cái đẹp trong văn chương nghệ thuật, nhà thơ, triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson (1803-1882) cho rằng “Yêu cái đẹp là thưởng thức, tạo ra cái đẹp là nghệ thuật”. Đại văn hào người Pháp Victor Hugo (1802-1885) cũng từng nhấn mạnh “Yêu cái đẹp là thấy ánh sáng”. Như vậy, từ thưởng thức, sáng tạo đến nhận định, đánh giá cái đẹp, dù ai đó có soi chiếu dưới lăng kính chủ quan thì cũng không thể không tuân theo những chuẩn mực nhất định, đó là sự tôn trọng, thừa nhận khách quan về giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị xã hội mà tác phẩm nghệ thuật mang lại.
Có cái đẹp trác tuyệt của thiên nhiên ban tặng cho con người. Cũng có cái đẹp tuyệt đỉnh do chính khối óc, bàn tay tài hoa, khéo léo của con người tạo ra. Dù cái đẹp có nguồn gốc từ thiên tạo hay nhân tạo thì bao giờ cũng trường tồn cùng thời gian. Và khi trở thành cái đẹp-nói như đại thi hào người Đức J.W Goethe cách đây gần hai thế kỷ-luôn “được chào đón ở bất cứ đâu”. Để sáng tạo ra cái đẹp, nhất là cái đẹp trong nghệ thuật có sức hút, sức lay động tâm hồn, tình cảm muôn người, muôn đời thì không hề đơn giản, mà phải khởi phát từ sự cộng hưởng, thăng hoa tài năng, tâm huyết, trăn trở của những nghệ sĩ biết trân trọng, cảm thụ và sáng tạo cái đẹp chân chính.
THIỆN VĂN